Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Mối quan tâm chung về chế độ ăn cho những người ăn chay là họ có thể không đủ chất đạm (protein). Tuy nhiên, nếu biết cách lựa chọn, người ăn chay hoàn toàn có thể có nguồn thực phẩm từ thực vật chứa nhiều protein mà cơ thể cần.
1. Nguy cơ thiếu đạm ở những người ăn chay
Ăn chay là một chế độ ăn chỉ bao gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: rau, củ, quả, các loại hạt... Hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật như: các loại thịt, cá, trứng...
Axit amin là thành phần cấu tạo của protein. Mặc dù cơ thể bạn có thể tạo ra một số axit amin, nhưng các axit amin thiết yếu như: histidine, isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanin, threonine, tryptophan, valine phải được cung cấp thông qua chế độ ăn uống.
Các sản phẩm từ động vật như: thịt, cá, sữa và trứng chứa đủ tất cả các axit amin thiết yếu này. Do đó, chúng được coi là protein hoàn chỉnh.
Trong khi đó, nhiều nguồn protein thực vật có quá ít hoặc thiếu một hoặc nhiều axit amin thiết yếu. Chúng được coi là nguồn protein không hoàn chỉnh.
Do vậy, việc ăn chay trường có thể khiến cơ thể bị thiếu một số chất, đặc biệt là chất đạm (protein).
2. Nguồn thực phẩm giàu protein tốt cho người ăn chay
2.1 Đậu phụ

Đậu phụ là một nguồn protein tuyệt vời. Đậu phụ được làm từ đậu nành. Đậu nành được coi là một nguồn cung cấp protein toàn phần. Điều này có nghĩa là chúng cung cấp cho cơ thể tất cả các axit amin thiết yếu.
Đậu phụ cũng là nguồn cung cấp các chất: canxi, magiê, phốt pho, vitamin B và sắt. Ngoài ra, nó còn chứa mangan, đồng và kẽm. Điều đó cho thấy, đậu phụ là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng phù hợp với hầu hết mọi người, đặc biệt là người ăn chay.

Đậu phụ là nguồn protein tuyệt vời cho người ăn chay
2.2 Sữa đậu nành
Sữa đậu nành không chỉ chứa 6g protein trong mỗi cốc (244ml) mà còn là nguồn cung cấp canxi, vitamin D và vitamin B12 tuyệt vời.
Sữa đậu nành rất dễ chế biến và dễ uống. Tuy nhiên, các sản phẩm sữa đậu nành trên thị trường thường cho thêm nhiều đường. Bạn nên chọn loại sữa đậu nành không đường sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
2.3 Các loại đậu
Hầu hết các loại đậu chứa khoảng 15g protein trong mỗi cốc nấu chín (170g). Chúng cũng là nguồn cung cấp chất xơ, sắt, folate, phốt pho, kali, mangan… và một số hợp chất thực vật có lợi.
Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều đậu có thể giúp giảm mức cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu, giảm huyết áp và thậm chí giảm mỡ bụng.
2.4 Yến mạch
Ăn yến mạch là cách đơn giản để bổ sung protein mà vẫn ngon miệng. Một nửa cốc yến mạch khô (40g) cung cấp khoảng 5g protein và 4g chất xơ. Yến mạch cũng chứa magiê, kẽm, phốt pho và folate.
Mặc dù yến mạch không được coi là một loại protein hoàn chỉnh, nhưng chúng chứa protein chất lượng cao hơn so với các loại ngũ cốc phổ biến khác như gạo và lúa mì.

Yến mạch chứa protein chất lượng cao.
2.5 Các loại hạt
Các loại hạt và sản phẩm có nguồn gốc từ chúng là nguồn cung cấp protein rất tốt.
Các loại hạt cũng là nguồn cung cấp chất xơ, chất béo lành mạnh, sắt, canxi, magiê, selen, phốt pho, vitamin E và một số loại vitamin B.
Nên lựa chọn các loại hạt thô, vì việc chế biến, chần và rang có thể làm hỏng các chất dinh dưỡng trong các loại hạt. Chọn hạt thô cũng giúp tránh dầu, đường và muối dư thừa thường được thêm vào trong sản phẩm.
2.6 Hạt chia
Với 5g protein và 10g chất xơ trong 28g, hạt chia chắc chắn xứng đáng có vị trí trong danh sách các loại protein có nguồn gốc thực vật hàng đầu.
Hạt chia cũng chứa hàm lượng sắt, canxi cao, selen, magiê, axit béo omega-3, chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có lợi khác.
Nhờ hương vị thanh mát và khả năng hấp thụ nước và tạo thành chất giống như gel, hạt chia có thể được chế biến thành nhiều món ngon miệng khác nhau, phù hợp với khẩu vị của nhiều người.

Hạt chia.
2.7 Tảo Spirulina
Loại tảo có màu xanh này rất giàu dinh dưỡng. Một khẩu phần 2 muỗng canh (14g) tảo Spirulina cung cấp 8g protein hoàn chỉnh. Ngoài ra nó còn cung cấp sắt và đồng.
Tảo Spirulina cũng chứa một lượng lớn magiê, mangan, kali và một lượng nhỏ hầu hết các chất dinh dưỡng khác mà cơ thể cần, bao gồm các axit béo thiết yếu.
2.8 Rau và trái cây giàu protein
Các loại rau chứa nhiều protein nhất bao gồm: bông cải xanh, rau chân vịt, măng tây, atisô, khoai tây, khoai lang…
Trái cây tươi thường có hàm lượng protein thấp hơn rau. Người ăn chay nên chọn những loại trái cây chứa nhiều protein nhất bao gồm: ổi, dâu tằm, dâu đen, chuối…

Bông cải xanh là loại rau chứa nhiều protein.
 
 
Người ăn chay cần lưu ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng bằng cách thay đổi thực đơn thường xuyên. Do thực phẩm thực vật chứa nhiều lượng axit amin khác nhau nên chúng ta có thể lựa chọn để có đủ axit amin thiết yếu bằng chế độ ăn uống đa dạng, tăng cường các thực phẩm giàu protein thực vật trong bữa ăn để duy trì cơ bắp, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
TS. BS. Trần Thị Minh

Việc ăn chay trường có thể khiến cơ thể bị thiếu một số chất. Do đó, cần có một chế độ ăn chay khoa học để vừa đáp ứng được sở thích ăn chay mà cơ thể vẫn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng...

Theo https://suckhoedoisong.vn/